Nguyen’s Substack
Nguyen’s Substack Podcast
Think. Write. Analyze. Connect
0:00
-6:12

Think. Write. Analyze. Connect

Xin chào các bạn đến với podcast thứ hai. Trong số này mình xin chia sẻ 4 kỹ năng quan trọng đối với NCS. Những điều trong podcast chỉ là tóm tắt của bài viết dưới đây, bạn nên nghe và đọc nhé ạ!

📌 Viết và Xuất bản khi làm PhD: Một hành trình chứ không chỉ là deadline

Làm nghiên cứu sinh là đi trên một hành trình nơi mà những sản phẩm đầu ra như bài báo, luận văn, chương sách... không chỉ là thước đo năng lực nghiên cứu mà còn là “tấm hộ chiếu” để bước vào đời sống học thuật chuyên nghiệp. Nhưng xuất bản trong quá trình làm PhD lại không phải là con đường bằng phẳng cho tất cả mọi người.

Trong buổi trò chuyện, Chu Khánh Linh - nghiên cứu sinh ngành giáo dục tại đại học Queensland, chia sẻ rất thẳng thắn rằng cô từng chọn một hướng đi khác: không tập trung tuyệt đối vào việc cố gắng xuất bản thật nhiều bài báo, mà ưu tiên thử sức với những công việc liên quan đến giảng dạy và tổ chức học thuật. 

“Có người trong văn phòng mình publish gần 100 bài khi kết thúc PhD, đó là lựa chọn của họ. Còn mình thì chọn cách làm những gì cần thiết cho con đường mà mình muốn - giảng dạy, kết nối, truyền đạt tri thức.”

Sự chia sẻ ấy nhắc mình rằng không có một công thức duy nhất để “làm PhD cho đúng”. Với người này, xuất bản là trọng tâm. Với người khác, có thể nó chỉ là một phần trong tổng thể hành trình định hình năng lực và bản sắc học thuật. Tiến sĩ Nguyễn Thu Giang (UWE Bristol, Vin University) cũng nhấn mạnh điều này khi nói về “professional identity” - một trong những điều quan trọng mà ta cần tự kiến tạo và rèn giũa dần trong suốt quá trình làm PhD.

The Iceberg and Why You Need to Build Your Competency Model | ExeQserve

Hành trình xuất bản cũng là nơi mình đối diện rõ nhất với áp lực của chuẩn mực học thuật quốc tế, kỳ vọng từ trường, từ thầy cô hướng dẫn, và cả từ chính mình. Viết để được xuất bản,  đó không chỉ là một kỹ năng mà còn là một thử thách tinh thần. Từng bản thảo bị từ chối, từng góp ý gắt gao từ reviewer, từng lần phải viết lại từ đầu, đều là những lần trưởng thành âm thầm và đau đớn.

Nhưng nếu biết mình đang viết để làm gì, cho ai, và từ đâu thì việc xuất bản không còn chỉ là một cuộc đua, mà là một phần trong quá trình học làm một học giả có tư duy phản biện, có giọng nói riêng, và có trách nhiệm học thuật rõ ràng.


📌 Làm nghiên cứu không chỉ là ngồi trước màn hình máy tính: Sự quan trọng của kỹ năng viết, thu thập và phân tích dữ liệu 

Câu hỏi lớn khi mới bước vào nghiên cứu sinh: Làm nghiên cứu cụ thể là làm gì? Viết thôi sao? Hay đọc? Hay ngồi làm số liệu? Làm sao biết mình đang đi đúng hướng?

Thật ra, hành trình nghiên cứu học thuật là một chuỗi kỹ năng đan xen nhau: viết, thu thập dữ liệu, xử lý, phân tích, phản tư, viết lại... và lặp lại không ngừng.

Linh kể về những chuyến đi field trips: “Có lần mình phải kéo vali đi xa, dựng chuồng, mang thiết bị nặng nề, ở nơi hẻo lánh. Người khác thấy khổ nhưng mình thấy trân quý những trải nghiệm đó vì mình là người trực tiếp học được từ trải nghiệm đó.”

Nghiên cứu học thuật, đặc biệt trong khoa học xã hội, không chỉ là làm việc với dữ liệu trên màn hình mà là đi vào đời sống, quan sát, lắng nghe, đặt câu hỏi, và khiêm tốn học từ thực tế. Sự “tay lấm chân bùn” đó mới là nền tảng để viết nên những bài nghiên cứu có chiều sâu, có chất người và có bối cảnh.

Về kỹ năng phân tích, chị Giang cũng nhấn mạnh đến việc hiểu rõ chất lượng dữ liệu mình đang có và thành thật với chính mình khi diễn giải nó. “Phải biết rõ mình hài lòng với chất lượng ra sao, và người khác cũng cảm thấy như vậy. Tức là vừa là integrity vừa là responsibility trong nghiên cứu.”

Cuối cùng, viết luôn là trụ cột. Viết không chỉ để hoàn tất một bài báo hay luận văn, mà còn là quá trình liên tục để làm rõ tư duy, kết nối ý tưởng, và thể hiện sự trưởng thành về mặt học thuật. Viết là hành trình đi cùng nghiên cứu, không thể tách rời.

The Importance of Academic Writing and Research Skills


📌 Public speaking, presentation and networking: Không chỉ nói chuyện mà là làm cho người ta nhớ tới mình. 

Một trong những kỹ năng ít được chú ý khi làm nghiên cứu, nhưng lại có tác động dài lâu  đó là khả năng trình bày (presentation) và kết nối (networking).

11 Public Speaking Tips: How to Relax, Focus, and Shine at Your Next  Presentation

Chị Giang chia sẻ rất nhiều về “networking” như một phần không thể thiếu trong hành trình nghiên cứu. Đó không phải kiểu bắt tay xã giao, mà là cách mình xây dựng mối quan hệ học thuật chân thành và lâu dài. “Rất nhiều cơ hội đến từ người hướng dẫn – supervisor. Nhưng không chỉ thế, còn từ các bạn trong hội thảo, trong cùng ngành, từ những người mà mình tưởng sẽ không gặp lại.”

Một điểm đặc biệt thú vị: networking không chỉ là hành trình từ bên ngoài mà còn là diễn biến trong nội tâm. “Mình phải hiểu mình trước: thế mạnh là gì, mình muốn gì, mình mang giá trị gì cho người khác.” Đây là điều rất đáng suy nghĩ, vì không ít lần chúng ta tham gia hội thảo mà chỉ “dự thính”, không kết nối, không giới thiệu, không đặt câu hỏi vì chưa rõ mình là ai trong không gian đó.

Việc thuyết trình (presentation) cũng được nhấn mạnh không phải chỉ để "trình bày kết quả", mà là cơ hội để “thể hiện năng lực tư duy và xây dựng hình ảnh học thuật cá nhân”. Mỗi hội thảo, mỗi dịp có cơ hội trình bày nếu chuẩn bị nghiêm túc đều là những viên gạch giúp định hình danh tiếng chuyên môn (professional identity) của chính mình.

Từ trải nghiệm của cả hai diễn giả, mình rút ra được một điều: khả năng kết nối và trình bày không thể học trong một sớm một chiều nhưng có thể trau dồi bằng cách dám đi, dám nói, dám chia sẻ và dám học từ phản hồi.

Cảm ơn các bạn đã quan tâm nghe podcast và đọc bài chia sẻ. Hi vọng bài chia sẻ giúp ích cho các bạn đã, đang và chuẩn bị đi trên con đường trở thành một nhà nghiên cứu độc lập. 

Dưới đây là thông tin của webinar sắp tới về chủ đề: From PhD to Industry: How to Prepare for the Transition, bạn scan QR hoặc đăng kí ở link này nhé. Thông tin về diễn giả được ghi đầy đủ trong form đăng kí ạ. Nếu bạn thấy chủ đề workshop hữu ích với một người bạn nào đó, xin vui lòng chia sẻ đến những người đang cần ạ!

Trân trọng cảm ơn!

Discussion about this episode

User's avatar